Tại sao ăn nhiều muối lại bị tăng huyết áp? Vì nó làm tăng tính thấm của
màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn
của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của
thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến tăng huyết áp.
Việc ăn nhiều muối cộng thêm các yếu tố stress trong cuộc sống sẽ làm
tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng hoạt động của hệ renin -
angiotensin, dẫn đến tăng tái hấp thu natri ở ống thận. Ion natri vào
nhiều trong tế bào của cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và
tăng huyết áp.
Thành phần chính của muối ăn là natri. Natri trong
chế độ ăn có từ 2 nguồn: nguồn có sẵn trong thực phẩm và nguồn cho thêm
vào thức ăn trong quá trình chế biến (phần này phụ thuộc vào từng
người). Theo một số tác giả, một chế độ ăn không cho thêm muối cũng đã
cung cấp 1,6 g natri, tương đương với 4,1 g muối ăn.
Một ngày nên
ăn lượng muối bao nhiêu là đủ? Đối với người bình thường không bị tăng
huyết áp, không bị thừa cân, không mắc các bệnh phải kiêng mặn cũng chỉ
nên ăn 6-8 g muối một ngày, mì chính không nên ăn quá 5 g/ngày. Những
người từ 45 tuổi trở lên cũng nên ăn hạn chế muối.
Ngay cả đối
với trẻ em từ khi bắt đầu ăn bổ sung cũng nên tập thói quen ăn nhạt, khi
nấu bột có thể không cần cho thêm muối, nhất là trong những trường hợp
trộn thêm sữa bột, pho mát vào bột, cháo; vì bản thân muối trong thức ăn
cũng đã đủ cho nhu cầu của trẻ. Trong những trường hợp trẻ đã quen ăn
muối thì cũng nên nấu nhạt hơn so với khẩu vị của người lớn. Vì chức
năng thận của trẻ còn yếu nên khả năng thải muối kém, natri bị tích tụ
nhiều trong cơ thể không tốt cho sức khỏe của trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét